Viêm xoang hàm do răng (Sinusitis)


Xương hàm trên (maxillary bone) và xương hàm dưới (Mandibular bone) nằm ở phía trước và phần dưới của hộp sọ. Xương hàm trên gắn liền với nền xương sọ và xương hốc mắt. Xương hàm trên không phải là một khối đặc mà rỗng và nhiều khoảng trống bên trong gọi là xoang (sinus). Nhờ các xoang trong hộp sọ rỗng mà chúng ta không thấy cái đầu mình nặng nề, đi đứng, phát âm nhẹ nhàng. Nếu hộp sọ đặc ta sẽ đi đứng khó khăn, đầu sẽ nặng và giữ thăng bằng khó vì các đốt sống cổ chịu đựng xương sọ nặng hơn.


  • Xoang hàm còn có nhiệm vụ là cộng hưởng âm thanh,khi ta phát âm tiếng nói trong và vang xa hơn. Xoang hàm bị viêm sẽ làm giọng nói đục và phát âm giọng nghẹt mũi.
  • Xoang hàm thông với hốc mũi và có nhiệm vụ sưởi ấm luồng không khí qua mũi, giúp cho khí quản và phổi không bị nhiễm lạnh.

Nguyên nhân gây nên viêm xoang hàm:

- Do viêm mũi dị ứng kéo dài, vẹo vách ngăn mũi

- Do chấn thương, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động: gãy xương hàm trên, gãy nền sọ dưới hốc mắt.

- Do răng sâu không chữa đúng kỹ thuật gây nên nhiễm trùng gốc răng kinh niên

- Do dị vật rơi vào xoang hàm, khi nhổ răng bị gãy chóp gốc, do răng nhổ khó bị dụng cụ đẩy rơi vào xoang hàm

  • Xoang hàm dễ bị viêm do hốc mũi bị nhiễm trùng, do vẹo vách ngăn mũi. Khi viêm xoang thì niêm mạc của xoang bị dầy lên, nhiều dịch và chất nhầy, nếu bị nhiễm trùng nặng hơn sẽ có mủ dầy đặc.
  • Khi xoang hàm bị viêm, bệnh nhân cảm thấy nặng đầu, nhức đầu rất khó chịu, giọng nói bị đục. Bệnh nhân khạc và hỉ mũi ra đàm đặc, mủ có màu xanh, có khi lẫn máu.

Do đặc điểm là răng hàm trên từ răng hàm thứ I số 6 đến các răng 7 và 8 có chóp răng gần sát với đáy xoang, nên khi răng bị nhiễm trùng lâu ngày mà không chữa đúng phương pháp sẽ làm chóp răng nhiễm trùng và lan rộng lên trên xoang hàm gây viêm xoang.

  • Khi BS Tai Mũi Họng (TMH, E.N.T) điều trị viêm xoang hàm do mũi mà không chú ý đến răng nhiều khi chữa hoài mà không hết nếu còn nguyên nhân do chóp răng nhiễm trùng mà chưa chữa tận gốc.
  • Tai nạn do chấn thương làm rạn nứt hay gãy xương gò má và xương hốc mắt cũng làm cho tụ máu trong xoang hàm và gây viêm nhiễm. Điều trị viêm xoang hàm trong chấn thương không khó vì sẽ lành sau khi xương hàm trở lại bình thường.

Tóm lại viêm xoang hàm do mũi thường dây dưa và dễ trở thành kinh niên, trong quá trình điều trị BS phải chú ý xem bệnh nhân có răng sâu nhiễm trùng hay không, nếu có phải điều trị răng miệng trước và cùng lúc với TMH thì mới hết được.