Một số bệnh răng miệng do siêu vi (Virus)


+ Herpes simplex:

  • Vết loét do virus herpes gây ra thường gặp ở khóe môi, ở mép và thường thấy ở môi trên nhiều hơn môi dưới. Vết lóet hình thành do bị nhiễm virus tiềm ẩn, thời gian ủ bệnh lâu và có khả năng tái đi tái lại nhiều lần. Lúc đầu ở niêm mạc môi đỏ hiện lên những mụn nước nhỏ li ti tập hợp thành nốt phồng nhỏ (Từ 2mm - 5mm),
  • lúc đầu nóng rát như bị phỏng sau đó mụn vỡ đi, mặt sang thương khô lại và bong đi, không để lại sẹo.

Vết loét do herpes do suy giảm miễn dịch, hoặc do bệnh nhân bị stress, căng thẳng thần kinh, và thường gặp nhất là do khói thuốc lá ở những bệnh nhân nghiện thuốc, thường xuyên bị kích thích khiến cho mụn herpes sẽ tái phát nhiều lần

Nguyên nhân lây nhiễm do tiếp xúc, do dịch nước bọt, hoặc lây qua đường sinh dục (herpes ở bộ phận sinh dục).

  • Mụn herpes có thể tự biến mất và lành thương mà không cần phải dùng thuốc, nhưng vì mụn gây nóng rát nên phải dùng thuốc giảm đau cho bệnh nhân. Thoa dung dịch milan (Bleu de methylene) hoặc pommade acyclovyre.

+ Vết áp (aphthous ulcer):

  • Là vết loét xuất hiện ở niêm mạc nướu, lợi, má và lưỡi, trong dân gian thường gọi là mụt nóng. Vết áp rất hay gặp ở những người có tạng dễ bị kích thích dostress, và dễ bị dị ứng.

Nguyên nhân:

  • Vết áp (aphtha, aphte) không có nguyên nhân rõ rệt, thường là do căng thẳng thần kinh, stress, do thức ăn có vị cay nóng bất thường. Vết áp không phải do nhiễm trùng vì trong vết loét không có vi khuẩn, nhưng hiện nay người ta đã tìm thấy vết loét apth là do siêu vi gây ra, giống như mụn herpes.

Vết áp thường xuất hiện ở sinh viên, học sinh gần ngày thi cử, bị stress vì bài vở quá nặng. Nhân viên văn phòng, vi tính, làm việc căng thẳng và mệt nhọc, lúc đó sức đề kháng của cơ thể bị yếu.

Vị trí của vết apht thường gặp là ở góc lưỡi, sàn miệng, ở bên trong niêm mạc môi trên, ở nướu, ở bên trong má và niêm mạc khẩu cái (hàm ếch). Đường kính của vết loét rất nhỏ từ 1mm đến 5mm có màu vàng lợt, không chảy máu nhưng rất rát và đau khi ăn thức ăn mặn hoặc cay nóng.

Vết apht sẽ tự biến mất trong vài ngày hoặc 1 tuần lễ, nhưng có thể sẽ hiện lên ở nơi khác và tái phát nhiều lần. Vết áp không cần phải điều trị, nhưng nếu đau nhiều phải cho bệnh nhân uống thuốc giảm đau, vitamin C và B1, B6 rất cần thiết để bổ xung, tăng cường sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể. Trường hợp nặng, có nhiễm trùng thứ phát nên cho bệnh nhân uống thêm kháng sinh. Tuy nhiên nếu muốn giảm đau và lành thương nhanh phải thoa thuốc lên vết loét bằng dung dịch milan (Bleu de methylene), hoặc đốt bằng acid phosphoric 34% cho vết loét khô mặt và mau lành.

* Các bệnh toàn thân do siêu vi gây ra ở trẻ em như:

- Các bệnh sốt phát ban:

  • Sởi (Ban đỏ), trái rạ (thuỷ đậu) đều có thể chủng ngừa được, bệnh gây nên các mụn đỏ, rộp nước hiện ở toàn thân và vùng đầu, mặt cổ. Trẻ em cần phải kịp thời theo dõi điều trị nâng cao thể trạng và dùng kháng sinh để chống nhiễm trùng cơ hội.

Vùng hàm mặt của trẻ có thể bị ảnh hưởng do sức đề kháng yếu, trẻ có thể bị viêm nướu cấp tính, viêm họng, sưng lưỡi do thiếu sinh tố nhóm B. Ngày trước ở nhiều vùng nông thôn khi trẻ bị bệnh sởi hay thương hàn trẻ không được chăm sóc tốt sẽ bị suy dinh dưỡng nặng, các vi khuẩn thừa cơ hội tấn công gây nên bệnh noma (Bệnh hoại tử răng miệng) làm răng rụng, xương hàm viêm, thối rơi ra từng mảng và để lại di chứng suốt đời. Bệnh noma hiện nay gần như không có, rất hiếm gặp, thỉnh thoảng ở vùng sâu vùng xa, trẻ em không được chửa trị kháng sinh kịp thời và bệnh viêm nhiễm chỉ tấn công trên trẻ em nào có một thể trạng quá suy kiệt.

- Quai bị (mumps, parotitis):

  • Là bệnh siêu vi thường gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi do toàn bộ các tuyến nôi tiết (endocrine glands) trong cơ thể bị siêu vi tấn công làm sưng lên.

Trẻ sẽ bị nóng sốt, sưng tuyến nước bọt mang tai (parotid glands) khiến cho hai bên má căng phồng và sưng to. Bệnh quai bị rất dễ chẩn đoán với đau răng làm viêm mô tế bào má vì đau răng chỉ sưng một bên và khám răng số 6 thấy có sâu. Trong khi quai bị làm sưng hai bên má rất cân xứng và khám răng thấy bình thường. Bệnh quai bị thường để lại di chứng làm đứa trẻ khi trưởng thành sẽ bị vô sinh do 2 bên tinh hoàn (testicles) bị viêm và không sinh ra tinh trùng được hoặc sinh tinh trùng ít đi. Tuy nhiên không phải đứa trẻ nào mắc bệnh quai bị đều trở thành vô sinh vì nếu trẻ bị quai bị lúc chưa đến tuổi trưởng thành thì lúc đó tinh hoàn (testicles) chưa phát triển nên không bị ảnh hưởng, nhưng nếu trẻ bị quai bị muộn hơn từ 14 tuổi đến 20 tuổi, khả năng bị vô sinh nhiều hơn.

Khi bị quai bị hai bên tinh hoàn sẽ sưng to lên, lúc đó để tránh biến chứng phụ huynh không nên cho trẻ đi lại nhiều mà nên cho nằm yên, cho trẻ mặc quần lót bó lại tránh không cho tinh hoàn di chuyển sẽ bị sưng nặng hơn. Tuyến mang tai tuy bị sưng to nhưng sẽ hồi phục nhanh chóng mà không có biến chứng như ở tinh hoàn.

Bs.Trần Ngọc Đỉnh