SỐT CAO VÀ HO


 TRE-SOT-HOBạn Lê Phước Thanh Thanh ở quận 1 hỏi : Cháu nhỏ khi sốt thì hay lạnh tay chân, như vậy nghĩa là là sao và biện pháp xử trí. Ngoài ra khi cháu ho nên cho cháu ăn thứ gì và không nên ăn thứ gì.

Trả lời :

Bạn Thanh mến ! Tôi xin trả lời 2 câu hỏi của Bạn như sau :

Khi trẻ con sốt cao, rờ tay chân trẻ thấy lạnh , đó là khi thân nhiệt cao khiến trẻ bị ớn lạnh do phản ứng của cơ thể trẻ khi sốt cao sẽ gây co các mạch máu ở tay chân để dồn máu cung cấp oxy cho các cơ quan quan trọng như tim, não, gan, thận...

Điều quan trọng nên làm khi trẻ sốt cao là tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ :

*Cho trẻ nằm nơi thoáng mát,
*Dùng khăn nhúng nước ấm hoặc nước thường để lau mát cho trẻ, lưu ý lau nhiều ở nách và bẹn của trẻ.
*Uống thuốc hạ sốt hoặc dùng thuốc qua đường nhét hậu môn ( thuốc an toàn nhất là Paracetamol. nên cho trẻ uống hoặc nhét hậu môn từ 10 - 15mg Paracetamol/ mỗi kg cân nặng, Cứ 4 - 6 giờ một lần)
*Khuyến khích trẻ ăn uống,
*Theo dõi các dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đi cấp cứu kịp thời : Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục tăng dần, buồn nôn, nôn khan nhiều lần, có dấu xuất huyết, đau bụng, bứt rứt, mệt, lạnh tay chân, tím, vã mồ hôi, sốt kéo dài trên 5 ngày,...
*Bạn cần lưu ý : đừng thấy trẻ ớn lạnh mà ủ ấm trẻ quá nhiều, Quấn trẻ trong chăn nhiều quá, sức nóng không thoát được sẽ làm trẻ sốt cao hơn và kích thích não bộ trẻ gây co giật (làm kinh).

Câu hỏi thứ 2 bạn hỏi nên và không nên cho trẻ ăn gì khi trẻ bị ho, tôi xin trả lời bạn như sau :

- Bạn có thể cho trẻ ăn uống bình thường, thức ăn có nhiều nước giúp làm loãng đờm nhớt ở trẻ, không bị kích thích ho nhiều. Khi cháu ho rất dể gây ói vì vậy bạn nên chia nhỏ cử ăn và không nên ép cháu ăn những thức ăn mà cháu không thích. Lúc bình thường, trẻ có thể ăn 6 lần/ngày (kể cả bữa bột và bữa sữa) nhưng lúc trẻ ho có thể tăng từ 8 – 10 lần/ngày, mỗi lần ăn một ít, có thể cách khoảng 2 giờ cho trẻ ăn 1 lần.

- Tránh cho cháu ăn hoặc uống các thứ dể gây kích thích hoặc gây dị ứng (tốt nhất là các thức ăn trước nay cháu vẫn thích ăn và không gây dị ứng). Cần hạn chế những món ăn chế biến có quá nhiều mỡ như: chiên, xào... Đối với món cá đôi khi trẻ có cảm giác tanh, dễ gây ói, do vậy nên đợi sau khi bé hết bệnh hãy cho tập ăn trở lại.

- Trẻ ho nhiều có thể ói ra thức ăn vừa mới ăn xong kèm theo nhiều đờm nhớt, vì thế trước khi cho trẻ ăn nên cho uống vài muỗng nước, sau đó cho trẻ nằm sấp rồi vỗ về lưng trẻ nhằm giúp đờm nhớp không còn đọng ở cổ trẻ. Điều này giúp trẻ đỡ ho và ăn bớt ói.

BS.CKI. Hồ Lữ Việt BVNĐ2